Friday, 22 January 2010

Dùng tập thể trị “chạy chức”, “chạy quyền”

Bên lề Hội nghị tổng kết công tác ngành nội vụ ngày 21-1, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trao đổi với báo chí về các vấn đề nóng xung quanh chuyện đề bạt, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức (CBCC), lựa chọn người tài vào chức danh lãnh đạo...
Không ai “chạy” nổi cả một tập thể
. Đại hội Đảng các cấp đang đến gần cũng là dịp dư luận thường “xì xầm” về chuyện “chạy chức”, “chạy quyền” ở nơi này nơi kia. Ông có ý kiến gì về việc này?
+ Không phải chỉ riêng bây giờ mới có tình trạng này. Từ thời trước, kể cả giai đoạn phong kiến cũng đã có. Nguyên nhân do cán bộ không chịu rèn luyện nhưng lại muốn thăng tiến cao. Thêm vào đó, có những tập thể, lãnh đạo, cá nhân nào đấy vì nể nang, tình cảm riêng tư nên tiếp tay.
Vì vậy phải có biện pháp ngăn chặn. Cái chính là đưa ra quy trình đề bạt chặt chẽ như quy trình về quy hoạch cán bộ, đào tạo, sử dụng (trong đó có thử thách), quy trình về bổ nhiệm. Làm đúng quy trình thì sẽ phát huy việc làm chủ của cả tập thể. Công tác cán bộ là công tác của Đảng, của tập thể. Anh có thể “chạy” một hoặc một vài cá nhân nào đấy chứ anh không thể nào “chạy” cả một tập thể được! Các quy trình này phải được công khai từ quy hoạch đến bổ nhiệm, tiến tới dự kiến bổ nhiệm bao nhiêu người. Trong quá trình đó, nếu người nào có hành động thiếu trong sáng sẽ phát hiện ra ngay.
. Đã có quy trình rõ như vậy nhưng trong thực tế vẫn có “chạy chức”, “chạy quyền”?
+ Quy trình không thiếu nhưng vẫn có việc ấy là vì có những cấp làm thiếu chặt chẽ. Hoặc là một bộ phận nào đấy vận dụng không đầy đủ nên có những bước làm chưa tốt.

Cần đổi mới thể chế để thi tuyển được cán bộ công chức tài giỏi. Trong ảnh: Các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tuyển công chức tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Bỏ tệ “sống lâu lên lão làng”
. Hiện nay vẫn còn nhiều người bức xúc về tình trạng “sống lâu lên lão làng” trong đội ngũ CBCC?
+ Đây đúng là vấn đề khó. Trước đây không có quy định rõ người không hoàn thành nhiệm vụ thì phải cho nghỉ hoặc chuyển sang việc khác. Chính vì vậy, Luật CBCC đã quy định rõ nếu cán bộ hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể chuyển đổi vị trí công tác hoặc cho nghỉ việc.
. Nhưng thực tế với kiểu đánh giá xuê xoa hiện nay, rất hiếm CBCC “không hoàn thành nhiệm vụ”?
+ Thực hiện theo quy định này là một việc tốt nhưng khó đấy! Vì đi liền với việc này phải có quy trình đánh giá cụ thể. Ví dụ, ở một cơ quan nào đó có bao nhiêu biên chế thì ở mỗi vị trí làm những việc gì. Khi định rõ như vậy thì lúc ấy mới có thể đánh giá CBCC hằng năm hoàn thành hay không hoàn thành. Trên cơ sở đó để đào tạo, bố trí, bổ sung hoặc thay thế.
Gỡ vướng tiêu chuẩn chính trị
. Một cái khó trong việc bổ nhiệm người tài vào các vị trí lãnh đạo, nhất là cán bộ trẻ là vướng tiêu chuẩn chính trị. Sắp tới, Bộ có biện pháp gì tháo gỡ việc này?
+ Hiện nay có quy định một số vị trí chức danh cao từ vụ phó trở lên phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Nhưng trong các trường Đảng lại chỉ đào tạo đối với cán bộ đảng viên thôi chứ chưa đào tạo đối với người ngoài Đảng. Đây là một vướng mắc trong quy trình đề bạt. Trong các nghị định sắp tới sẽ làm rõ hơn ý này và cũng mở rộng theo hướng cán bộ có khả năng phát triển thì sẽ được đào tạo am hiểu chủ trương, đường lối chính sách để có đảm bảo thăng tiến cho họ.
. Nhưng kinh nghiệm thi tuyển chức danh lãnh đạo của Đà Nẵng vẫn là ưu tiên điểm cho đảng viên, như vậy trong Đảng vẫn có ưu thế hơn?
+ Đó là vận dụng của địa phương, còn trong văn bản Bộ trình Chính phủ về thi tuyển các chức danh lãnh đạo không có quy định này. Bởi vì trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, quan điểm lập trường được đánh giá khái quát hơn chứ không chỉ căn cứ vào là đảng viên hay không đảng viên.
. Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Thể chế đang cản trở
Thể chế đang cản trở việc tuyển dụng, sử dụng người tài. Hiện nay vẫn còn nhiều nơi đội ngũ cán bộ vừa đông vừa yếu, khi cần bổ nhiệm chức danh lãnh đạo tìm không ra. Cần phải đổi mới thể chế để thi tuyển được CBCC tài giỏi; ứng cử, bầu cử cũng phải là người tài. Người tài phải được sử dụng và được trả lương khá hơn...
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng

Thi cũng có hạn chế
Thi để chọn lãnh đạo là tốt nhưng chúng ta không hy vọng chỉ có thi mới chọn được người giỏi toàn diện mà việc thi cũng có hạn chế. Qua việc thi có thể chọn được người am hiểu, ứng xử công việc nhanh, nói năng lưu loát nhưng sẽ khó chọn được người có kinh nghiệm để ứng xử trước những khó khăn cần sự quyết đoán của người lãnh đạo. Ngoài ra, thi cũng chưa bộc lộ rõ quan điểm và lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ. Vậy nên nếu kết hợp được giữa thi và tuyển (có sự sàng lọc trước) thì tốt.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn
THU HẰNG

0 comments:

  © Templates by Ourblogtemplates.com 2008-Thank for visiting.Post sourcing from "Dongapress" when reposting in your site.

Back to TOP