Tuesday, 26 January 2010

Nhà nước pháp quyền và loạn công văn

SGTT - Giữa năm 2009, lãnh đạo một huyện ở tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản riêng quy định hoạt động báo chí trên địa bàn họ quản lý. Cùng thời điểm đó, các quan chức ở tỉnh Cần Thơ cũng đưa ra dự thảo riêng về quản lý báo chí ở địa phương mình. Những văn bản này, mà tinh thần chung của chúng là thắt chặt lại hoạt động báo chí để tiện cho quản lý của địa phương, đã trở thành đối tượng của những phản ứng gay gắt từ công luận ở thời điểm đó.
Trên thực tế những vụ việc như vậy được nêu ra công luận không nhiều. Không phải vì chúng hiếm mà ngược lại có quá nhiều các văn bản như vậy nhưng chúng rất khó tiếp cận. Điều này xuất phát từ thực tế, là các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đã được trao quyền ban hành các văn bản pháp quy. Vì thế mới có những trường hợp như ở Nghệ An và Cần Thơ nêu trên.
Điều này có nghĩa là cả một “rừng luật” đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống của người dân và doanh nghiệp. Không khó để chứng minh điều này. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2009 (PCI) vừa công bố, trong điều hành các địa phương bắt đầu có xu hướng sử dụng công văn hơn tuân thủ các văn bản pháp luật. Trong giai đoạn 2005 – 2008 có 9.470 công văn có bao hàm các nội dung quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều gấp ba lần số công văn được ban hành trong 18 năm trước đó (giai đoạn 1987 – 2004). Trước năm 2004, trung bình một tỉnh có 19 công văn trên 81 văn bản quy phạm pháp luật, nay tỷ lệ này đã tăng tới 55/45. Hai chuyên gia Phan Vinh Quang và John Bently, đồng tác giả của bản báo cáo hàng năm này cho rằng, việc ban hành các công văn đã tạo ra một “rừng văn bản pháp luật”, mà “ngay cả chuyên gia cũng bị lạc chứ chưa kể đến người dân và các nhà đầu tư”.
Trong giai đoạn 2005 – 2008 có 9.470 công văn có bao hàm các nội dung quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều gấp ba lần số công văn được ban hành trong 18 năm trước đó (giai đoạn 1987 – 2004).
Vẫn theo báo cáo này, chỉ số tính minh bạch đang có chiều hướng đi xuống. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp (61,26%) cho rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh mà tỉnh ban hành. Có tới 52% doanh nghiệp tại các địa phương tin rằng, cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của tỉnh với mục đích trục lợi, tăng cao so với các năm 2008 và 2007.
Báo cáo này cho rằng, trường hợp thường thấy ở Việt Nam là các doanh nghiệp thường bị phạt do vi phạm các quy định của Nhà nước mà họ chưa từng được biết đến. Khi nhận ra được điều này, họ sẽ phải chịu một khoản tiền phạt đáng kể và mất thời gian để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề bằng những cách không chính đáng như trả các khoản “bôi trơn”.
Vì sao vẫn xảy ra tình trạng này khi Quốc hội đã thông qua luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, và Chính phủ cũng đã có nghị định 136 quy định các địa phương phải công bố tất cả các văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh trong công báo tỉnh? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chấn chỉnh lại tình trạng này?
Điều cần nói là điều hành bằng công văn thay vì các văn bản pháp luật sẽ dẫn tới hạ thấp hoàn toàn các văn bản pháp luật. Luật pháp tối thượng sẽ bị vô hiệu hoá khi công văn lại có hiệu lực hơn văn bản luật. Đây là một thách thức lớn cho nhà nước pháp quyền mà Việt Nam tuyên bố theo đuổi.
(Theo Sgtt.com.vn)

0 comments:

  © Templates by Ourblogtemplates.com 2008-Thank for visiting.Post sourcing from "Dongapress" when reposting in your site.

Back to TOP