MỘT SỰ LỆCH LẠC KHÔNG NÊN CÓ
Vào những ngày mà người Việt Nam cùng với dân cư một vài nước vùng Đông Á đón Tết cổ truyền theo phong tục của mình thì cũng là lúc diễn ra Thế vận hội mùa đông 2010 ở Vancouver, Canada. Cứ tưởng rằng vào những ngày mà trong nước hầu như không có sự kiện gì về thể thao ấy thì hẳn các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ dồn sự chú ý của công chúng vào Thế vận hội Vancouver, không chỉ lễ khai mạc đặc sắc mà còn là nội dung các cuộc tranh tài, sự thiết lập các kỷ lục, những môn thể thao mà người Việt xứ nóng mình chưa biết nhưng nên biết, v.v…
Hóa ra không phải vậy. Các báo giấy tạm nghỉ Tết, thôi thì khỏi phải nói đến. Nhưng ngay Đài truyền hình Việt Nam, sau các buổi thời sự 19h mỗi ngày, phần tin thể thao hầu như chẳng có tin gì để nói, nhưng vẫn nhất quyết không đưa tin gì của Thế vận hội mùa đông ở Vancouver. Các trang báo mạng cũng làm hệt như thế. Họ dành trang thể thao để nói đủ thứ dông dài, nhưng quyết “cấm vận” thông tin từ các cuộc tranh tài ở Vancouver! Họ chỉ kể với công chúng hầu như mỗi một sự việc: ngay trước lúc khai mạc đã có một vận động viên bị chết vì tai nạn trong lúc tập luyện! Thế thôi.
Tại sao vậy nhỉ? Vì Việt Nam không có đoàn tham gia Thế vận hội mùa đông? Nhưng phải chăng chỉ khi có vận động viên Việt Nam tham gia một sự kiện thể thao quốc tế thì báo chí truyền thông của Việt Nam mới đưa tin?
“Đúng thế”, – khi làng báo Việt Nam hoàn toàn thờ ơ với giải bóng đá châu Phi CAN 2010, đến nỗi không tìm thấy bất cứ bảng kết quả nào của giải này xuất hiện trên các trang báo điện tử Việt Nam, mặc dù công chúng Việt Nam được coi là thần tử của môn túc cầu, và túc cầu của Đông Nam Á, của châu Á nói chung xem ra còn thua khá xa so với túc cầu châu Phi!
Nhưng lại “không đúng thế” – khi ta thấy các hãng truyền hình của Việt Nam bỏ tiền mua sóng để phát trực tiếp các giải bóng đá của Anh, Italia, Tây Ban Nha, Đức… Ở đấy tuyệt không có cầu thủ nào người Việt, ở đấy cũng rất it người Việt là khán giả trên sân. Nhưng đấy là các giải hay, dễ thu hút công chúng. Hóa ra, các hãng truyền thông của Việt Nam chú ý đến các giải ấy chẳng qua cũng chỉ vì tiền, – tiền thu từ người xem qua cáp truyền hình và tiền thu từ quảng cáo xen kẽ giữa mỗi buổi phát hình. Vậy là làng báo truyền hình Việt chú ý đến mấy giải nhà nghề này không hẳn là chuyện đưa tin, không hẳn là vì trách nhiệm nghề báo.
Về phương diện đưa tin, ngay đối với thể thao, cung cách ứng xử với CAN 2010 và Vancouver 2010 cho thấy lề lối tùy tiện, chân trong chân ngoài của làng báo Việt: tiện và thích thì đưa tin, không thì thôi. Tức là người làm báo Việt vẫn “làm gương” cho dân Việt về thái độ chân trong chân ngoài trước nhân loại. Chỗ nào có người Việt tham gia, chỗ nào người Việt được hoan nghênh thì đưa tin nhiều, đưa tin đậm, chỗ nào ngược lại thì … coi như không có!
Đối với làng báo thể thao Việt thì gần như không có giải CAN 2010, gần như không có thế vận hội Vancouver 2010!
Thiết tưởng, đó là một lệch lạc không nên có, một sự lệch lạc đáng trách.
20/02/2010
Lại Nguyên Ân
Theo Viet-studies
0 comments:
Post a Comment