Mua sắm công sản, cơ hội tư túi
Vụ tham nhũng trong mua sắm công sản nhìn từ "Đề án 112" chỉ là phần nhỏ của tảng băng lớn về tình trạng lãng phí và tham nhũng trong bộ máy công quyền, khi mà việc mua sắm công sản từ lâu nay dù đã được hướng dẫn bởi nhiều qui định đấu thầu tưởng chừng chặt chẽ, nhưng vẫn còn quá nhiều kẽ hở cho đồng tiền ngân sách chạy vào túi riêng.
Vụ án trục lợi trong "Đề án 112" sau nhiều năm tưởng chừng như chuyện để lâu cứt trâu hóa bùn cuối cùng cũng đã kết thúc trong phiên xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hồi tuần qua. Đây là đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 với tổng kinh phí lên đến 1.000 tỷ đồng.

Thực chất đây là vụ án tham nhũng tiền ngân sách nhà nước qua 129 hợp đồng được ký với các công ty và đơn vị, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đấu thầu của chính phủ để trục lợi, gây thiệt hại cho công quỹ. Vụ án được khởi tố từ gần ba năm trước mà tình tiết cứ tưởng là đơn giản,
vậy mà đến nay mới được đem ra xét xử, ắt hẳn bên trong phải có lắm điều khuất tất cần có thời gian dài để làm sáng tỏ thêm. Mặc dù ngay khi sự việc xảy ra, Chính phủ trong một báo cáo trình Quốc hội đã nhận trách nhiệm về phía mình.Người đứng đầu đề án này, qua hành vi chủ động trong việc mua sắm, không phải là người chịu mức án cao nhất nhờ có nhiều công trạng (!). Ông Vũ Đình Thuần nhận năm năm tù giam, hai người khác, trong đó có thư ký Ban điều hành nhận án tù sáu năm.
Vụ tham nhũng trong mua sắm công sản trên đây chỉ là phần nhỏ của tảng băng lớn về tình trạng lãng phí và tham nhũng trong bộ máy công quyền, khi mà việc mua sắm công sản từ lâu nay dù đã được hướng dẫn bởi nhiều qui định đấu thầu tưởng chừng chặt chẽ, nhưng vẫn còn quá nhiều kẽ hở cho đồng tiền ngân sách chạy vào túi riêng.
Thực tế cho thấy, tình trạng mua sắm công sản của chúng ta vẫn diễn ra một cách tùy tiện cùng với tâm lý đua đòi, khoa trương đã phát sinh tệ nạn xa hoa lãng phí và tham nhũng. Chẳng hạn trong việc mua sắm ô-tô, liệu có mấy ai nghĩ đến khoản chi tiêu ấy có phù hợp với khả năng trang trải của nền kinh tế hay không? Chính phủ đã nhiều lần phê phán, dư luận thì lên án gay gắt nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đấy, người ta có thể vận dụng đủ cách để biện minh. Phép nước chưa nghiêm hay chúng ta thiếu những biện pháp hợp lý nhằm hạn chế tiêu cực trong việc mua sắm công sản?
Công sản là tài sản được mua bằng đồng tiền ngân sách hoặc bằng tiền có nguồn gốc từ vốn nhà nước. Ở nhiều quốc gia, việc mua sắm tài sản cho toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước được giao cho một cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Tài chính gọi là Cơ quan mãi dịch (Central Procurement Agency). Đây là nơi tập trung nhu cầu mua sắm được trả bằng các khoản chi tiêu mà ngân sách đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị.
Vào đầu năm tài chính (thường vào tháng 10) các cơ quan nhà nước tập trung nhu cầu mua sắm công sản, trang thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm... về Cơ quan mãi dịch với yêu cầu từng chủng loại và trong phạm vi kinh phí cho phép. Nơi đây sẽ lên kế hoạch mua theo hai phương thức:
Đối với các loại hàng trong nước không sản xuất được hoặc có nhu cầu đặc biệt phải mua ở nước ngoài, cơ quan này sẽ thăm dò thị trường bên ngoài, yêu cầu các nhà cung cấp báo giá và tổ chức chọn thầu để tìm một hoặc vài nhà cung cấp thỏa mãn được nhu cầu mua sắm các loại công sản. Cơ quan mãi dịch mua xong sẽ chuyển giao cho các đơn vị đặt mua theo đúng yêu cầu, tính năng, thời hạn và được thanh toán bằng phương thức nhận lại tiền - bằng chuyển khoản - từ ngân sách đã được phân bổ cho đơn vị mua.
Đối với hàng trong nước sản xuất được thì cơ quan này áp dụng chế độ đấu thầu công khai với những quy định và thủ tục nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự toa rập làm giá của các nhà thầu cung cấp.
Cả hai phương thức này, hàng mua về được giao cho các đơn vị có nhu cầu và được thanh toán từ đồng tiền ngân sách chuyển qua. Tất nhiên đối với các nhu cầu mua sắm nhỏ và đột xuất, các cơ quan và đơn vị cũng có thể tự lo lấy nhưng bị chi phối bởi những quy định về số tiền, số lần mua trong năm.

Việc mua sắm công sản nếu do một cơ quan chức năng đảm trách còn tránh được tệ nạn "đi đêm" trung gian cò mồi, nâng giá để chia chác các khoản chênh lệch vốn rất phổ biến. Hiện nay, với chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì các cuộc đấu thầu cung cấp tài sản công sẽ giúp cho hàng nội địa có một thị trường lớn là các cơ quan nhà nước. Việc đấu thầu với điều kiện cụ thể, rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp lao vào một cuộc cạnh tranh, trong đó yếu tố chất lượng và giá cả có tính quyết định. Thị trường lớn này trong chừng mực sẽ giúp nền kinh tế giải quyết được bài toán lao động và đồng vốn, nhờ đó mà hoạt động sản xuất trong nước có thể phát triển mạnh hơn.
Tất nhiên điểm quan trọng để thực hiện được phương thức nói trên chính là yếu tố con người, tính minh bạch của tổ chức và một nhận thức sâu sắc về công việc đang làm là nhằm phục vụ tốt nhất cho bộ máy công quyền.
Còn lâu nay, phải chăng vì xem ngân sách là con bò sữa nên việc mua sắm công sản đối với không ít cán bộ nhà nước chính là cơ hội vàng để tư túi. Và chừng nào những ông quan tham còn hưởng lợi từ kẽ hở của các qui định nặng tính hình thức thì tham nhũng trong mua sắm tài sản công vẫn chưa chấm dứt được.
(Theo Tuanvietnam.net)
0 comments:
Post a Comment